20231225
I. Vị trí núi Ba Hồ/ cao điểm 597
1. Núi Ba Hồ trên bản đồ quân sự Mỹ nằm ở huyện Cam Lộ - tỉnh Quảng Trị. Phía quân đội nhân dân Việt Nam gọi tên là Cao điểm 597.
2. Khu vực này nay thuộc ranh giới giữa huyện Cam Lộ và huyện Dak Rong tỉnh Quảng Trị.
II. Thông tin phía Việt Nam
1. Một số liệt sỹ thuộc Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 hy sinh từ giữa đến cuối tháng 6/1971, có ghi nơi hy sinh tại Cao điểm 597 – Hướng Hóa – Quảng Trị. Ngoài ra một số liệt sỹ thuộc Trung đoàn 52 Sư đoàn 320 cũng có thông tin trong trích lục là hy sinh tại vùng núi Ba Hồ tháng 8/1971.
2. Tháng 6/1971, Trung đoàn 9 sư đoàn 304 nhận nhiệm vụ tấn công thủy quân lục chiến SG tại khu vực núi Ba Hồ/ Cao điểm 597.
3. Tháng 8/1971, Trung đoàn 52 Sư đoàn 320 nhận nhiệm vụ tấn công thủy quân lục chiến SG tại khu vực núi Ba Hồ/ Cao điểm 597.
4. Cuối tháng 3/1972, tiểu đoàn 19 đặc công Sư đoàn 304, trong chiến dịch Quảng Trị 1972, đã tấn công đánh chiếm cứ điểm Ba Hồ/597 từ lực lượng thủy quân lục chiến Sài Gòn đóng giữ.
III. Thông tin phía quân đội Mỹ
1. Trước tháng 6/1971, chưa phát hiện dấu vết thông tin thể hiện có các trận đánh lớn tại khu vực núi Ba Hồ/ cao điểm 597.
2. Trong bán kính <2km, với tâm là núi Ba Hồ/ Cao điểm 597, đã diễn ra hàng loạt các trận chiến giữa các đơn vị thuộc Mặt trận B5 đường 9 bắc Quảng Trị tấn công các đơn vị quân Sài Gòn trú đóng tại đây trong thời gian từ tháng 6/1971 đến tháng 3/1972, gồm:
* Tháng 6/1971
- Ngày 6/6/1971, lực lượng tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến Sài Gòn đóng tại núi Ba Hồ/ cao điểm 597 bị tấn công. Thông tin Mỹ ghi nhận lực lượng tấn công là bộ đội thuộc Trung đoàn 9 Sư đoàn 304. Ngoài ra còn có ghi nhận phiên hiệu đại đội 9 tiểu đoàn 3 Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 trực tiếp tấn công căn cứ.
- Ngày 17/6/1971, khoảng 2 đại đội bộ đội Việt Nam tấn công bộ phận thuộc tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến SG tại khu vực phía đông núi Ba Hồ/ Cao điểm 597. Thông tin Mỹ ghi nhận có thể bộ phận thuộc Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 là lực lượng tấn công.
- Ngoài ra có thông tin: Ngày 17/6/1971 tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến SG tấn công bộ đội Việt Nam. Ngày 17/6/1971, bộ phận tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến Sài Gòn tại núi Ba Hồ/ cao điểm 597 đã bị pháo kích. Có thông tin khác cho thấy khu vực diễn ra chiến sự ở nam núi Ba Hồ vài trăm mét.
- Ngày 21/6/1971 lực lượng tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến SG tại núi Ba Hồ tiếp tục bị tấn công.
- Ngày 22/6/1971 lực lượng tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến SG tại nam núi Ba Hồ bị bộ đội VN bắn cối 82mm.
- Ngày 23/6/1971 tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến SG tại núi Ba Hồ bị bộ đội VN tấn công. Tiếp tục trong ngày bị bắn đạn cối 82mm.
- Ngày 23/6/1971 bộ phận tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến SG tại núi Ba Hồ bị bộ đội VN tấn công. Thông tin Mỹ ghi nhận có thể là thuộc Trung đoàn 9 Sư đoàn 304.
- Ngày 26/6/1971 bộ phận tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến SG tại núi Ba Hồ bị bộ đội VN tấn công. Thông tin phía Mỹ ghi nhận có thể bộ đội thuộc Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 là lực lượng tấn công.
- Ngày 29/6/1971 ở bắc núi Ba Hồ, bộ phận tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến SG bị bắn nhiều đạn cối 82mm/ DKB 122mm.
- Ngày 29/6/1971 bộ phận tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến SG tại núi Ba Hồ bị bắn 10 đạn DKB 122mm.
- Ngày 30/6/1971, ở đông bắc núi Ba Hồ, ban chỉ huy tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến SG bị bắn đạn cối 120mm.
* Tháng 8/1971
- Ngày 14/8/1971 tại đông núi Ba Hồ, 1 đại đội của tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến SG bị tấn công.
- Ngày 14/8/1971 tại khu vực đông núi Ba Hồ, bộ phận tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến SG tấn công bộ đội Việt Nam.
- Ngày 14/8/1971 bộ phận tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến SG tại núi Ba Hồ bị tấn công.
- Ngày 14/8/1971 tại phía tây núi Ba Hồ, bộ phận tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến SG bị bộ đội Việt Nam tấn công. Thông tin phía Mỹ ghi nhận có thể bộ đội thuộc Trung đoàn 52 Sư đoàn 320 là lực lượng tấn công.
- Ngày 15/8/1971 bộ phận tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến SG tại núi Ba Hồ bị tấn công, Trận chiến diễn ra trong suốt cả ngày.
- Ngày 15/8/1971 tại đông núi Ba Hồ, lực lượng thủy quân lục chiến SG giao chiến với bộ đội VN.
* Năm 1972
- Ngày 20/1/1972, tại nam núi Ba Hồ, tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến SG lục soát phát hiện hệ thống hầm quy mô Trung đội bộ đội VN ở khoảng 2 tháng trước, thu 1 số đạn và dây thông tin.
- Ngày 31/3/1972 bộ đội Việt Nam tấn công đánh chiếm căn cứ Ba Hồ, do tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến SG đóng giữ.
3. Thông tin phía Mỹ cho biết cuối tháng 8/1971 các đơn vị thủy quân lục chiến SG đã rút khỏi khu vực núi Ba Hồ/Cao điểm 597. Cho đến tháng 1/1972 đơn vị thủy quân lục chiến SG lại tái đóng tại khu vực núi Ba Hồ/ cao điểm 597.
4. Thông tin đáng chú ý khác
- Cuối tháng 6/1971, tại phía tây núi Ba Hồ/ cao điểm 597, quân Sài Gòn có phát hiện các mộ chôn cất 20 bộ đội Việt Nam. [Rongxanh phán đoán đây rất có thể là các liệt sỹ thuộc Trung đoàn 9 hy sinh trong các trận đánh tại khu vực núi Ba Hồ tháng 6/1971]
- Theo thông tin từ một số thân nhân liệt sỹ thì khu vực núi Ba Hồ sau khi kết thúc chiến tranh, đã được chính quyền, các cơ quan chính sách thực hiện nhiều lần quy tập liệt sỹ.
- Cho đến tháng 11/2023 cơ quan chính sách vẫn tiếp tục quy tập được 01 liệt sỹ tại khu vực núi Ba Hồ (https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/quang-tri-quy-tap-2-hai-cot-liet-si-tai-huyen-cam-lo-653351.html): "...từ ngày 10 đến 23/11/2023, Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 968 (Quân khu 4) đã khảo sát và tổ chức tìm kiếm, cất bốc được 2 hài cốt liệt sĩ tại khu vực vườn nhà ông Trần Văn Minh ở thôn Bảng Sơn và khu vực núi Ba Hồ thuộc thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị...".
IV. Các dữ liệu về địa điểm núi Ba Hồ/ Cao điểm 597, thông tin giao chiến, khu vực phát hiện mộ bộ đội Việt Nam đã được Rongxanh gửi tới các cơ quan chính sách của quân đội.
V. Nhận xét
- Thông tin Mỹ ghi nhận các phiên hiệu trung đoàn 9, trung đoàn 66, trung đoàn 52 tấn công thủy quân lục chiến SG tại khu vực núi Ba Hồ/ Cao điểm 597 và vùng lân cận trong tháng 6 và tháng 8/1971.
- Khu vực giao chiến không chỉ diễn ra tại núi Ba Hồ/ Cao điểm 597 mà còn diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau quanh khu vực núi Ba Hồ, do các đơn vị thủy quân lục chiến SG hoặc bộ đội VN chủ động thực hiện, trong tháng 6/1971 và 8/1971.
- Như vậy, ngoài trú đóng cố định tại núi Ba Hồ/ cao điểm 597, có thể thủy quân lục chiến SG còn tổ chức các đơn vị cơ động chủ động lục soát quanh khu vực cao điểm, chủ động tấn công các đơn vị bộ đội Việt Nam quanh núi Ba Hồ/ cao điểm 597.
Bản đồ khu vực núi Ba Hồ
Đăng nhận xét