2014052646032101
1. Địa danh Đồi không tên, một cái tên khá nổi tiếng trong chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào/ Lam Sơn 719 năm 1971

http://sukiennhanchung.wordpress.com/2011/04/24/tr%E1%BA%ADn-danh-tren-d%E1%BB%93i-khong-ten/

QĐND – Hà Nội một ngày đầu xuân Tân Mão, trời hửng nắng và ấm áp, chúng tôi tìm đến nhà Trung tướng Khuất Duy Tiến ở khu tập thể 34A, Trần Phú. Vị tướng đã bước sang tuổi 81 nhưng vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Trong ký ức của người chỉ huy dày dạn trận mạc này vẫn còn tươi nguyên câu chuyện sôi động của trận đánh trên đồi Không Tên và cuộc vây bắt tên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù ngụy trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào 40 năm trước…

Trận đánh trên đồi Không Tên
Đầu năm 1971, tôi được trên bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Đang trên đường hành quân vào chiến trường Nam bộ, chúng tôi nhận được điện của Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng: “Trung đoàn 64 dừng hành quân đường dài, quay sang Trạm 4, Bản Đông (địa phận nam nước Lào) gặp đồng chí Trịnh Tráng, Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 308, nhận nhiệm vụ mới”. Chúng tôi liên hệ với trạm giao liên nhờ dẫn đường, để tổ chức cho bộ đội đi xuyên rừng đến điểm hẹn. Tại đây, anh Trịnh Tráng cho biết, địch đã đổ quân xuống khu vực Bản Đông, chúng ta phải tổ chức chuẩn bị chiến đấu. Ngày 9-2, tôi và anh Trịnh Tráng dẫn cán bộ đến trinh sát địa hình ở dãy điểm cao 543. Nhưng vừa đến chân điểm cao thì máy bay địch ập đến, đổ quân và chiếm giữ luôn điểm cao này. Đạn từ trực thăng của địch bắn đúng vào đội hình của ta làm anh Trịnh Tráng bị thương vào bả vai không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được. Tôi nối máy báo cáo tình hình và nhận được mệnh lệnh của Bộ: Đưa ngay lực lượng xuống chốt chặn tại đồi Không Tên (khu vực ngã 3 Cha-phi, án ngữ con đường 16 đi xuống Bản Đông, cách điểm cao 543 mà địch đã chiếm giữ gần 3km).


Tối hôm ấy, lực lượng của Tiểu đoàn 9 đã được bố trí tại đồi Không Tên. Lúc 10 giờ ngày 13-2, tôi đang ở vị trí chỉ huy ở khu đồi Không Tên thì máy bay địch đến quần lộn, đạn, pháo bắn dồn dập, bom na-pan thả cháy rực xung quanh. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 báo cáo: Địch đổ quân vào đội hình của ta, đề nghị cho đánh. Tôi đồng ý và ra lệnh cho đơn vị vừa bắn máy bay vừa xung kích vào các vị trí mà địch vừa đổ quân. Tại một mỏm sát vị trí chỉ huy tiểu đoàn, nơi có một trung đội của Đại đội 9, Tiểu đoàn 9 chiếm giữ, ta và địch giằng co nhau ác liệt. Thượng sĩ Phùng Quang Thanh, Trung đội trưởng, chỉ huy bộ đội chiến đấu rất dũng cảm. Mặc dù bị thương, máu chảy ướt đẫm cánh tay nhưng anh vẫn động viên đồng đội chiến đấu kiên cường bảo vệ an toàn cho vị trí chỉ huy và bảo vệ sườn cho các mũi tấn công của đội hình Tiểu đoàn 9 (sau chiến dịch, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, hiện nay đồng chí là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng – PV). Sau 40 phút chiến đấu, ta bắt được 9 tù binh. Chúng khai là lực lượng công binh đến làm hầm chỉ huy tại đồi Không Tên. Âm mưu của địch là chiếm đồi Không Tên cùng với lực lượng ở điểm cao 543 khống chế khu vực phía Bắc Đường 9. Hai vị trí sẽ liên kết với điểm cao 500, tạo thành thế liên hoàn khống chế cả con đường 16, ngăn chặn quân ta xuống Bản Đông. Nhân cơ hội địch đang bị rối loạn, tôi ra lệnh cho các hướng mũi tiếp tục xung kích. Quần lộn với nhau đến khoảng 16 giờ thì lực lượng địch bị quân ta dồn xuống khu vực suối cạn ở bản A-la-nhay. Tối đó, Tiểu đoàn 9 tiếp tục công kích, tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn 6 của Lữ đoàn dù 3 ngụy. Ba ngày tiếp theo, quân ta tiếp tục truy kích, đuổi đánh tàn quân; đến ngày 16-2, ta đã làm chủ hoàn toàn đồi Không Tên, tạo bàn đạp để tiếp tục tiến đánh điểm cao 543, nơi có Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3 đang chiếm giữ.
Đại tá Nguyễn Văn Thọ bị bắt như thế nào?
Trước khi xây dựng phương án tác chiến, chúng tôi có 3 ngày đi trinh sát thực địa tại khu vực điểm cao 543. Tại đây, địch có Tiểu đoàn dù 3, một trận địa pháo 105mm và sở chỉ huy Lữ đoàn dù với sự chi viện tối đa của hỏa lực, không quân, pháo binh. Mặc dù mới đổ quân xuống đây chưa đầy chục ngày nhưng chúng đã kịp xây dựng một hệ thống công sự phòng ngự khá chặt chẽ, nhiều tầng lớp. 5 giờ sáng ngày 20-2, quân ta bắt đầu nổ súng nhưng không thành công vì vướng 3 hàng rào dây thép gai và sự chống trả quyết liệt của địch. Trong cuộc họp rút kinh nghiệm, chỉ huy trung đoàn quyết định thay đổi cách đánh. Theo đó, sẽ tổ chức cho bộ đội đào công sự, đánh vây, lấn. Những ngày tiếp theo, trận đánh diễn ra ác liệt, giằng co. Ta chiếm được một phần, địch phản kích chiếm lại, hôm sau ta lại tái chiếm… Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Tham mưu phó mặt trận điện hỏi trung đoàn cần bổ sung gì? Tôi thưa, cần thêm 10 khẩu B41. Bộ tư lệnh mặt trận tăng cường thêm 6 khẩu B41 và một đại đội xe tăng 4 chiếc. Chúng tôi tổ chức cho đơn vị và các lực lượng phối thuộc đi trinh sát để nghiên cứu đường đi cho xe tăng xuất kích theo hướng Nam Đông Nam của điểm cao, hướng tiến công mới mà trung đoàn xác định là chủ yếu, xe tăng có thể cơ động được.
Một giờ chiều ngày 25-2, 4 chiếc xe tăng của ta dũng mãnh dẫn đầu đội hình tấn công cao điểm 543. Sự xuất hiện của xe tăng đã gây bất ngờ cho địch. Chúng sợ hãi, lui lại co cụm và gọi hỏa lực chi viện. Hai chiếc F4 lao đến, cắt bom. Xe tăng và pháo cao xạ 37mm của ta vừa cơ động vừa bắn máy bay. Một chiếc F4 bốc cháy, chiếc kia cũng vội vã trút bom rồi bỏ chạy. Chớp thời cơ, tôi ra lệnh cho bộ đội áp sát và tổng công kích. Quân ta tràn vào điểm cao làm cho địch bị rối loạn và vỡ trận. Đến 16 giờ 30 phút ta cơ bản giải quyết xong trận địa, chỉ còn 4 hầm địch còn ngoan cố chống cự. Với sức mạnh áp đảo, ta đã chế áp, dùng lựu đạn khói, buộc chúng phải đầu hàng, trong số này có tên Đức, Tham mưu trưởng Lữ đoàn dù 3 và 15 tên chỉ huy các cấp. Tên Trung tá Mai là Lữ đoàn phó, chạy trốn ra vạt rừng cây, cũng bị ta tiêu diệt. Tên tù binh là cần vụ, khai: Đại tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn dù 3 có mặt và chỉ huy trực tiếp tại đây. Tôi cho anh em lùng sục, truy tìm nhưng không thấy. Đến 18 giờ, các đơn vị đều báo cáo là đã bắt hết tù binh. Nhưng ngay sau đó, đài kỹ thuật của ta vẫn nghe thấy tiếng của Đại tá Thọ gọi điện xin viện binh, pháo bắn vào căn cứ và đưa máy bay vào để cứu hắn. Tôi lệnh cho đồng chí Đông, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8, tiếp tục kiểm tra lại các hầm trú ẩn của địch. Đồng chí Quyết, trung đội phó và Thượng sĩ Dục nhận nhiệm vụ truy lùng tên Thọ. Đến lần thứ 3, hai anh xuống lại khu vực hầm chỉ huy của tên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù ngụy thì vẫn thấy một tên nằm sấp như đã chết, đầu hắn quay vào trong, hai chân hướng ra ngoài. Sờ vào thấy hắn vẫn còn nóng. Thoáng nghi ngờ, Quyết đá vào chân và nổ súng xuống đất. Hắn vội bò dậy, tay run run nộp khẩu súng ngắn và lắp bắp nói: “Dạ, dạ tôi là Đại tá Nguyễn Văn Thọ”. Nhận được tin báo, chúng tôi mừng lắm, lệnh cho anh em giải ngay tên Thọ về sở chỉ huy. Quá trình dẫn giải tên Thọ nảy sinh ra một tình huống. Số là lúc đó lợi dụng trời tối và có mưa, khi vừa xuống tới chân điểm cao, Thọ xô ngã Trung đội phó Quyết và bỏ chạy. Rất nhanh trí, Chính trị viên phó Đông hô tập hợp một tiểu đội và hô lớn: “Toàn đơn vị truy tìm, thấy nghi ngờ là bắn bỏ”. Thọ sợ quá, lóp ngóp từ lùm cây bò ra: “Dạ, dạ, tôi đây. Tôi bị té…”.
Mặc dù quãng đường chỉ chưa đầy 3 km nhưng phải đến gần sáng hôm sau anh em mới đưa Thọ về đến Sở chỉ huy. Lúc này trông hắn thật đáng thương. Quần áo lấm lem bùn đất, tóc tai bờ phờ, người hốc hác, mắt đỏ ngầu. Tôi bảo anh em cởi trói cho Thọ và đưa đi rửa tay chân. Để cho hắn nghỉ một chút, tôi hỏi: “Anh có đói không?”. Hắn thật thà: “Dạ, có”. Tôi nhắc đồng chí cần vụ mang cơm ra. Không chút khách khí, Thọ ăn liền 3 bát. Tôi trực tiếp pha một bát sữa bột và đưa cho Thọ. Viên Đại tá, Lữ đoàn trưởng ngụy nhận bát sữa, vừa uống, vừa khóc, sau đó đã thành khẩn khai báo những tin rất cần thiết cho các trận đánh tiếp của chiến dịch…”.
Trung tướng Khuất Duy Tiến kể – Hoàng Tiến ghi
2. Mô tả và vị trí Đồi không tên:
- Đồi không tên là cao điểm 435 ở về phía Tây đường số 16A, cách bản Đông khoảng 10km về phía bắc.
- Vị trí cao điểm 435/ đồi Không tên trên bản đồ, so với vị trí cao điểm 543 nơi đặt Sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3.

alt